Bất chấp các quy định về dạy thêm - học thêm, tại Hà Nội có nhiều trung tâm luyện thi được mở ồ ạt, ra sức “nhồi”, “nhét” sĩ tử cho đến khi chật cứng mới thôi . . .
Hàng năm, chỉ sau kì thi tốt nghiệp THPT thì các lò luyện thi mới thực sự sôi động. Tuy nhiên năm nay, do nhiều khu luyện có tiếng đã “giải nghệ” hoặc chưa đi vào “khởi động” nên những trung tâm cố bám trụ mở ngay từ đầu năm học lại trở nên nhộn nhịp. Phần lớn các sĩ tử đến với “lò luyện” trong giai đoạn này đều là học sinh ở Hà Nội, số lượng ở tỉnh lẻ khá ít.
Thời điểm này ở khu luyện thi phố Tạ Quang Bửu (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) nổi tiếng một thời rất ít các bàn chiêu sinh tổ chức luyện thi.
Khảo sát dọc con phố Tạ Quang Bửu, không khó để nhận ra các bàn chiêu sinh vào các lò luyện khá thưa thớt. Trước đây, khu vực này được “mệnh danh” là “nhà nhà” tổ chức luyện thi và sĩ tử thì ở tứ phương kéo tới. Một nhân viên tổ chức chiêu sinh “lớp luyện” tiết lộ: “Trước đây dịch vụ luyện thi tổ chức quanh năm và luôn đông thì giờ đây họ lại chạy theo thời vụ. Chỉ sau kì thi tốt nghiệp THPT thì các lò luyện sẽ ngay lập tức được hình thành để mở ra các lớp ôn thi cấp tốc”.
Tham quan qua một ca luyện thi môn Toán của môt trung tâm ở phố Chùa Bộc, nơi được mệnh danh là “đắt khách” bởi toàn mời các thầy cô có “tên tuổi” về luyện.
Trung tâm có tất thảy 3 phòng học (phòng rộng nhất hơn 200 m2, hai phòng còn lại với diện tích gần 100 m2) nằm trên khoảnh đất vừa vặn như được “đo ni đóng giày”. Xung quanh, những phần đất “thừa thiếu” chẳng có hình thù được sử dụng làm chỗ để xe cho các sĩ tử nhưng luôn trong tình trạng quá tải nên hầu hết phải gửi ở những bãi xe của cơ quan bên cạnh hoặc trong Học viện Ngân hàng.
Bãi gửi xe đông nghịt ở phố Chùa Bộc. Phần lớn sĩ tử đến luyện thi đều đến từ Hà Nội.
Giờ học chính thức được bắt đầu lúc 14h15 phút nhưng từ 13h30, các sĩ tử đã nhốn nháo gần hết 5 đến 6 dãy bàn đầu tiên. Em Nguyễn Thị Thủy - học sinh "lớp 13" (năm trước thi trượt và năm nay ôn thi để dự thi lại) đến từ Thái Nguyên vừa lau mồ hôi vừa kể: “Đến bây giờ là bình thường chứ không sớm vì lớp đông nên đến sát giờ học là coi như phải ngồi bàn gần cuối mà ngồi đó thì coi như chịu chết vì không nhìn thấy gì trên bảng hết”.
Lớp luyện thi "khủng" ở phu phố Chùa Bộc.
Cùng suy nghĩ như Thủy, Hoàng (học sinh lớp 12, đang học một trường THPT trên địa bàn Hà Nội) chia sẻ thêm: “Có lần em đến sát giờ vào lớp thì chỉ thấy còn trống 2, 3 chỗ ngồi ở tận cuối, không còn cách nào khác em phải chen xuống ngồi thế mà cũng mất đến hơn 5 phút mới xuống được đến nơi và buổi học hôm đó coi như chỉ ngồi nghe thôi chứ không ghi chép được gì cả”.
Lớp học với diện tích khoảng 200 m2 được xếp 1 dãy gồm 10 bàn (mỗi bàn dài 1,2 mét), có tất cả 20 dãy bàn trải kín từ đầu đến cuối. Mỗi bàn được chia đều với số lượng 3 học sinh và được đánh số thứ tự từ 1 đến 600. Với “khoảnh đất” hơn 1 m2 (chiều dài bàn 1,2m, chiều rộng gần 1m tính từ mép bàn đến lưng của người ngồi) vừa khít cho 3 sĩ tử “chen nhau”. . .
Ba sĩ tử chen nhau trên chiếc bàn dài 1,2m.
Lớp đông, chật chội là tình hình chung của các trung tâm luyện thi, nhưng có điều đáng bàn đó là dù học sinh biết mười mươi điều đó nhưng vẫn ồ ạt kéo đến. Thanh Hoa - một học sinh lớp 12 bộc bạch thật: “Biết đến lò là đông nhưng nếu không đi thì không yên tâm nên cứ đăng kí học”. Như vậy là hầu như các sĩ tử tìm đến các lò luyện thi là do tâm lý "không yên tâm" hoặc theo phong trào và hình thức. Điều này thực sự là không cần thiết và lãng phí thời gian cũng như tiền bạc
Hơn thế nữa, để nhằm lôi kéo thí sinh, các lò luyện cũng đưa ra các hình thức chiều chuộng khách hàng hơn. Nếu như trước kia, nhu cầu đến với lò luyện của thí sinh là lớn thì tình trạng vừa ngồi học vừa dùng khăn để lau mồ hôi vì nóng nực xảy ra như cơm bữa thì giờ đây sĩ tử được chiều chuộng hơn rất nhiều. Với lớp học đông như ở khu Chùa Bộc thì phòng được bố trí dày đặc quạt điện. Từ quạt trần, quạt treo tường… thậm chí là quạt công nghiệp đều được bật hết công suất để phục vụ “thượng đế”. Trong khi đó, với lò luyện có quy mô nhỏ hơn thì đầu tư hẳn điều hòa để thí sinh có thể học trong trạng thái . . . “gật gù” vì buồn ngủ.
Bên cạnh đó, các trung tâm cũng đưa ra những “mánh khóe” để “đánh lừa” sĩ tử. Nếu như trước kia thông tin các thầy luyện thi được ghi rất rõ ràng. Chẳng hạn như, thầy là giảng viên trường nào, thậm chí kèm theo cả số điện thoại liên lạc… Năm nay, thì lại hoàn toàn trái ngược. Trên các tờ chiêu sinh chỉ ghi mỗi tên giáo viên và trong số đó không ít thông tin sai lệnh.
Thông tin về thầy giáo dạy luyện khá mù mịt. Rất khó để thí sinh kiểm chứng thầy dạy cũng đúng như lời quảng cáo của trung tâm.
Bây giờ đã là giữa tháng 6, thời điểm để các lò luyện thi cấp tốc tung ra hoạt động rầm rộ. Hỡi các sĩ tử đang dần đổ về Hà Nội, hãy tự hệ thống lại những kiến thức mà các bạn đã được ôn tập, tự tin vào bản thân, đừng vì tâm lý hoang mang mà đua nhau vào những "lò luyện" không cần thiết. Giữ sức khỏe trong những ngày này cũng hết sức quan trọng. Một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cân đối giữa ôn tập và nghỉ ngơi một cách hợp lý sẽ giúp cho cơ thể bạn khỏe mạnh và tinh thần giảm bớt áp lực trong chuyện thi cử.
Chúc các sĩ tử vững bước và đạt được kết quả tốt trong kỳ thi đại học 2013 năm nay :)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét